Làng Nghề Rựu Bầu Đá Làm Nên “Đặc Sản” Bình Định

Đứng bên những danh tửu như Làng Vân, Gò Đen, Hồng Đào, giữa muôn ngàn danh rượu nhập khẩu về từ các nước… Cái tên Bàu Đá ngạo nghễ làm nên một thương hiệu. Rượu Bàu Ðá là một sản phẩm truyền thống của du lịch Bình Ðịnh đã nổi tiếng từ rất lâu. Xưa kia đây là “ngự tửu” được dùng để tiến vua, là loại rượu thường được dùng trong các buổi yến tiệc của vua chúa.



Tương truyền, từ nhiều thế kỷ trước, những người dân nghèo ờ gò Cù Lâm, thôn Bàu Ðá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, trong khi tìm kế sinh nhai đã nấu rượu và sử dụng nguồn nước ngầm rỉ ra từ bàu đá tại thôn Bàu Ðá. Không ngờ những mẻ rượu được nấu từ nguồn nước này lại có một mùi hương rất đặc biệt, và nếu uống một cách điều độ mỗi ngày chỉ một, hai cốc nhỏ sẽ cho cảm giác thoải mái, dễ chịu, trị được chứng đau lưng, nhức mỏi, giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn.


Nhiều người uống Rượu Bàu Đá nhưng ít ai biết rằng Rượu ngon nhờ phương pháp chưng cất thủ công gia truyền, công thức ủ rượu, lên men kết hợp với mạch nước ngầm kì diệu “trời ban” cho làng Bàu Đá.

Được chắt lọc từ những hạt gạo ngon được trồng ở những thửa ruộng đủ nước cho cây lúa từ lúc còn rảnh mạ, đến khi ngậm đòng và nhất là nguồn nước nơi đây đã làm nên chất rượu độc đáo của Làng Bàu Đá, làm nên hồn Rượu Bàu Đá, nên hồn của đặc sản làm nức lòng du khách tour du lịch Bình Định. Cái hồn ấy chính là mùi thơm thanh khiết, là hương vị đậm đà, là rượu trong suốt như pha lê. Rượu Bàu Đá uống vào có vị thơm nồng quyến rũ, uống một hớp, sức nóng như dội lên mạnh mẽ nhưng không gắt, để rồi hương rượu như lan tỏa len sâu từ cổ họng đến khắp người, bừng bừng chất men ngọt, uống say vẫn tỉnh, không loạn trí đau đầu.

Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 3,5 - 4 lít rượu) phải mất 6 giờ. Dụng cụ dùng để nấu đều làm bằng sành, thủy tinh và tre nên có hương vị đặc trưng.



Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua. Rượu có nồng độ rất cao, hơn 50 độ.


Nhà thơ Nguyễn Duy vinh danh rượu Bàu Đá là “đệ nhất tửu”, thi sĩ Tản Đà  trong một lần dừng chân ở đất Bình Định, tình cờ thưởng thức một bữa tiệc rượu Bàu Đá, đã nghiêng mình ngưỡng vọng và phong tặng cho rượu Bàu Đá là “Đệ nhị danh tửu”. Mỗi người một cách cảm nhận, nhưng ai đã một lần nhấp thử chút men nồng của ly rượu Bàu Đá thì cũng chếnh choáng như hai con người sành rượu trên.

Nếu đã phượt du lịch Bình Định mà chưa nhâm nhi một ly Bàu Đá thì sẽ chưa "ngấm" hết mùi vị của chuyến đi và hương vị của nơi này. Hơn nữa sẽ rất tuyệt nếu bạn đưa về một bình rượu Bàu Đá làm quà cho người thân.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ